You are not connected. Please login or register

Ôn thi tốt nghiệp Văn - Sử - Địa

Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

CẩmLệ.kute

CẩmLệ.kute
Thành Viên Mới
Thành Viên Mới

Ôn thi tốt nghiệp Văn - Sử - Địa 

 

Cô ơi, em thường học môn văn không được tiếp thu cho lắm và thường có số điểm văn khoảng 5-6 điểm thôi. Cô có thể nào giúp em được không cô?

(Trần Thị Thanh Thủy, 18t, Tp hồ chí minh)

Cô Triệu Thị Huệ:

Để cải thiện tình hình, em cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao việc học văn của em “không được tiếp thu cho lắm”. Có lẽ nên tìm một phương pháp học mới, vừa có hiệu quả, vừa tạo hứng thú học tập. điểm môn văn còn hạn chế có thể là do em chưa nắm vững nội dung bài học, hoặc có thể hạn chế về kĩ năng làm bài, kĩ năng diễn đạt. Chúc em mau chóng tìm được được niềm yêu thích khi học môn văn !

Em xin hỏi cấu trúc đề thi TNPT môn Lịch sử như thế nào? (Trinhthinguyet, 19t, Namtrucnamdinh)

Cô Đỗ Thị Thanh Thủy:

Về chương trình là toàn bộ lịch sử thế giới và lịch sử VN lớp 12. Về đề thi, phần Sử VN sẽ là 7 điểm, phần Sử thế giới sẽ là 3 điểm.

Thưa cô làm bài văn về một tác phẩm nào đó mình có nhất thiết phải nói dúng như bài học không hay là chỉ noí ý thôi .nếu như nói ý có bị trừ diểm không

(Diem Phuong, 17t, maimaibenanh9330@yahoo.com)

Cô Triệu Thị Huệ:

Cô không hiểu ý em lắm, hỏi ý em “nói ý” nghĩa là sao ? Lẽ đương nhiên, bài học trên lớp là bài học thầy cô cung cấp những kiến thức cơ bản. Muốn đạt kết quả tốt, trước hết em phải nắm đươc những kiến thức cơ bản đó. Thường là khi chấm bài, GV rất trân trọng, khuyến khích những cách làm bài, cách hiểu, những kiến giải độc đáo, sáng tạo của HS, miễn là phải hợp lí. Còn nếu không nắm chắc kiến thức cơ bản, mà cứ “phăng” ra, suy diễn tùy tiện thì tất nhiên sẽ không được chấp nhận, sẽ bị trừ điểm.

Còn phần em hỏi, cô đoán thế này, có phải em định nói có cần học nguyên một bài dài (mà GV cho chép trên lớp) hay chỉ cần học ý thôi ? Nếu đúng như vậy, trước hết, em phải nắm được hệ thống ý của bài học, từ đó có thể diễn đạt bằng lời lẽ của mình. Làm vậy là đúng, sao lại sợ bị trừ điểm?

Năm nay, em thi TN và ĐH môn Sử, nhưng mà em thấy phần Sử VN khá dài và khó học quá! Có cách nào để học dễ dàng hơn không, thưa cô?

(Phương Thảo, 18t, Tp.Hcm)

Cô Đỗ Thị Thanh Thủy:

Để cho dễ học hơn em nên chia theo từng giai đoạn hoặc theo chủ đề, ví dụ phần Lịch sử VN có thể chia: giai đoạn 1919 đến 1929; 1930-1945; 1945-1954; 1954-1975; 1975-2000.

Em muốn hỏi, trong tác phẩm " thuốc" của Lỗ Tấn. Hình ảnh con đường mòn chia đôi nghĩa địa nói lên diều gì?

(diem_nguyen_pl, 18t, Bình phước)

Cô Triệu Thị Huệ: 

Hình ảnh con đường mòn chia đôi nghĩa địa là hình ảnh có nhiều tầng bậc ý nghĩa. Trước hết, nó là con đường chia đôi hai khu mộ (của tử tù, kẻ phản nghịch) với người chết bệnh (người lao động nghèo khổ). Sự phân biệt này cho thấy sự lạc hậu, u mê của người dân Trung Quốc về cách mạng (bằng chứng là họ cho rằng Hạ Du làm giặc nên Hạ Du không được chôn chung trong khu mô người nghèo).Chi tiết con đường mòn gắn với hai bà mẹ họ Hoa, họ Hạ, còn ẩn dụ cho bi kịch của người dân Trung Quốc. Hoa Hạ vốn là tên gọi của nước Trung Hoa, giờ bỗng bị chia rẽ thành hai nửa…

Trên mạng có tin đồn, môn Sử sẽ bỏ phần "miền Bắc", Vậy có đúng như tin đồn đó không ạ ?

(Tín, 18t, Bạc Liêu)

Cô Đỗ Thị Thanh Thủy:

Theo cấu trúc chương trình và đề thi thì không quy định bỏ phần miền Bắc.

Đối với môn sử ở phần Lịch sử thế giới thì phần nào là phần trọng tâm?(Pham Nguyen Xuan Quynh, 18t, Ben tre)

Cô Đỗ Thị Thanh Thủy:

Phần Lịch sử thế giới là học hết. Tuy nhiên nếu em thấy khó khăn quá thì có thể chia theo từng chương, từng bài để học cho dễ. Ví dụ, bài Mỹ, em nên chia kinh tế theo từng giai đoạn và chính sách đối ngoại theo từng giai đoạn.

Môn Lịch sử và Địa lí có được giới hạn không?(Nguyễn Thị Xuân Thúy, 18t, ĐăkLăk)

Cô Đỗ Thị Thanh Thủy:

Không có giới hạn gì cả!.

Thưa cô, khi thi em chỉ cần viết đại ý được không ạ? Vì em không có khiếu học thuộc lòng từng chữ từng câu như các bạn trong lớp?

(Truong Thi My An, 18t, Tp Ho chi minh)

Cô Đỗ Thị Thanh Thủy:

Nếu chỉ viết đại ý thì em sẽ không được trọn vẹn điểm của ý đó. Nếu em không có khiếu học thuộc lòng như các bạn thì em nên bỏ thời gian tư duy để phát triển ý của em cho đầy đủ.

Thưa cô, khi làm bài chứng minh cần dẫn chứng thơ, em viết sai vài chữ trong bài thơ thầy cô chấm thi có châm chước không ạ? Hoặc nếu dẫn chứng các câu văn, em chỉ cần viết đại ý câu văn đó, có được không?

(Ocbien, 18t, Kontum)

Cô Triệu Thị Huệ:

- Về nguyên tắc, nếu trích dẫn sai vài chữ trong bài thơ, đoạn thơ thì sẽ bị đánh giá là dẫn chứng thiếu chính xác, sẽ không được châm chước.

- Nếu dẫn chứng là các câu văn, có thể trích dẫn chứng theo 2 cách: trực tiếp (đặt trong ngoặc kép) và gián tiếp (chỉ cần trích ý, kể lại dẫn chứng). Cách tốt nhất là kết hợp cả hai cách: trực tiếp và gián tiếp.

Với những kiến thức môn Địa em phải ôn thế nào mới đạt được kết quả tốt? Trọng tâm của môn Địa giới hạn ở phần nào?

(Hee (18t, Bình Dương), Ma Hà (18, Lâm Đồng):

CẩmLệ.kute

CẩmLệ.kute
Thành Viên Mới
Thành Viên Mới

Thầy Đinh Hoàng Thanh:

Trọng tâm kiến thức Địa 12 thi tốt nghiệp được giới hạn theo hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Như vậy gần như là không giới hạn, mà học toàn bộ, chỉ bỏ bài 1, bài 3 và các bài thực hành. Muốn nắm chắc nội dung thi tốt nghiệp môn Địa thì ta học theo chủ đề.

Ví dụ Chủ đề về công nghiệp: Ta phải nắm được:

(1) Tổ chức lãnh thổ công nghiệp (gồm khái niệm về các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp; những nhân tố ảnh hưởng đến tổ chức lãnh thổ công nghiệp; nước ta có những hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp nào?)

(2) Cơ cấu công nghiệp (gồm sự chuyển dịch cơ cấu ngành; sự chuyển dịch cơ cấu lãnh thổ và chuyển dịch cơ cấu thành phần. Bênh cạnh đó cần phải nắm được ngành công nghiệp trọng điểm: Thế nào là ngành công nghiệp trọng điểm, kể tên các ngành công nghiệp trọng điểm, phân tích vì sao những ngành đó được xem là ngành công nghiệp trọng điểm.)

(3) Vùng công nghiệp (cần nắm được sự phân bố các ngành công nghiệp, sự phân bố các trung tâm công nghiệp trong vùng, qui mô của các trung tâm công nghiệp đó, và cơ câu các ngành công nghiệp trong trung tâm công nghiệp đó.)

Thưa cô môn Sử quan trọng là học ý nghĩa các sự kiện Lịch sử, còn các con số thì không cần thuộc lắm, trong bài thi có viết sai số cũng không bì trừ điểm, phải không ạ?

(Quỳnh, 18t, Đà Nẵng)

Cô Đỗ Thị Thanh Thủy:

Lịch sử là Lịch và Sử tức là thời gian và sự kiện nên em phải có cả thời gian và sự kiện thì mới đủ điểm được. Tuy nhiên có những sự kiện có quá nhềiu con số thì em có thể nhớ những số cơ bản. Ví dụ, chiến tranh cục bộ: em có thể nhớ là số quân địch, số cuộc hành quân trong từng chiến lược mùa khô 1 và mùa khô 2.

Học môn Sử bằng cách nào có hiệu quả nhất? (Nguyen Thi Kim Trinh, 17t, Ba ria vung tau)

Cô Đỗ Thị Thanh Thủy:

Nên vừa ghi vừa học, chia ra từng giai đoạn hoặc từng chủ đề, không nên chỉ cầm sách để đọc kiểu học gạo.

Chiến tranh lạnh vì sao lại kết thúc? (Thuy, 18t, Truong dong loc)

Cô Đỗ Thị Thanh Thủy:

Sách giáo khoa Lịch sử 12 trang 63, phần chữ nhỏ đã trả lời.

Quan điểm con người của Nguyễn Khải ở Một người Hà Nội? (Aihuynh, 19t, Thủ đức -hcm)

Cô Triệu Thị Huệ: 

Chắc em muốn hỏi “quan niệm nghệ thuật về con người” của Nguyễn Khải trong "Một người Hà Nội" ?. Đây là một vấn đề khó và lí thú, vì không chỉ liên quan đến tác phẩm "Một người Hà Nội", đến tác giả Nguyễn Khải mà còn liên quan đến giai đoạn văn học sau năm 1975.

"Quan niệm nghệ thuật về con người” của Nguyễn Khải trong tác phẩm này thể hiện sự biến đổi quan niệm nghệ thuật về con người của tác giả so với giai đoạn sáng tác trước (giai đoạn trước 1978) của ông. Nếu ở giai đoạn trước 1978, Nguyễn Khải nhìn và đánh giá con người chủ yếu qua tiêu chí đạo đức và chính trị thì sau 1978, con người được nhà văn “soi ngắm” trong cái nhìn thế sự, trong văn hóa ứng xử, đạo đức sinh hoạt. Nhân vật bà Hiền được tác giả tô đậm vẻ đẹp ở bản lĩnh cá nhân, ở những ứng xử trong đời sống thường nhật. Như vậy, quan niệm của Nguyễn Khải vừa nằm trong những nét chung của sự đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học sau năm 1975 (nhìn con người trong cảm hứng thế sự, trong cái nhìn đa chiều) vừa mang dấu ấn của kinh nghiệm cá nhân (đó là cái nhìn khẳng định, ca ngợi sự bền vững của bản lĩnh văn hóa trong mọi biến động cuộc sống).

Em từng tiếp thu cách học bài môn xã hội như Mực tím đã giới thiệu là vẽ sơ đồ bài học để dễ nhớ. Nhưng khi em áp dụng chiêu này vào khi làm bài kiểm tra, thầy cô thường móc thiếu ý hay bài làm sơ xài, nhất là môn Sử. Vậy em phải khắc phục thế nào ạ?

(Phan Thị Minh Anh, 18t, Lớp 12CBD28 Phan Châu Trinh).)

Cô Đỗ Thị Thanh Thủy:

Sơ đồ chỉ là ý chính thôi, em phải phát triển ý chính đó ra thì mới đủ.

Thưa cô kiến thức môn Sử của em rất lộn xộn, làm sao để có thể hệ thống các bài môn Sử một cách dễ nhớ nhất?

(Ngoc, 18t, Hoc mon)

Cô Đỗ Thị Thanh Thủy:

Thì em phài sắp xếp lại theo hệ thống cho khỏi lộn xộn.

Nguyên lí tảng băng trôi được thể hiện như thế nào trong tác phẩm "Ông già và biển cả" của Hemingway?

(Dương Lệ An Thơ, 18t, Sài gòn)

Cô Triệu Thị Huệ:

Nguyên lí tảng băng trôi là một cách nói hình ảnh, ví tác phẩm như một tảng băng trôi, phầm chìm (ẩn dưới nước rất lớn), phần nổi rất ít. Theo nguyên lí này, nhà văn không công khai phát biểu ý tưởng mà người đọc phải tự rút ra phần ẩn ý ấy.

- Trong toàn bộ tác phẩm Ông già và biển cả, nguyên lí tảng băng trôi được thể hiện qua những hình tượng mang tính đa nghĩa. Ông già đánh cá là biểu tượng cho ý chí, nghị lực, khát vọng lớn lao của con người (con người có thể bị hủy diệt chứ không thể bị đánh bại. Đây chính là phần chìm của tảng băng - Trong đoạn trích : phần chìm (phần ẩn ý) là vẻ đẹp của niềm tin, ý chí và nghị lực của con người trong hành trình chinh phục ước mơ giản dị mà lơn lao của con người.

Khi trình bày nội dung và ý nghĩa lịch sử của hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam, em có cần viết thêm hoàn cảnh dẫn đến ký kết không? Nếu không cần mà em cứ viết thêm thì có được cộng thêm điểm không?

(Lan, 20t, Binh phuoc)

Cô Đỗ Thị Thanh Thủy:

Nếu toàn bài của em mà điểm chưa trọn vẹn thì có thể được cộng điểm thưởng vì bài viết hay.

Em hay bị lộn năm này qua năm khác giữa các sự kiện, có cách nào giúp chúng em khắc phục dược điều đó? Em cám ơn cô

(Kim Thúy, 18t, Binh Duong)

Cô Đỗ Thị Thanh Thủy:

Em lộn vì em học chưa kỹ, kiến thức chưa chắc.

Thưa cô có bắt buộc trả lời câu hỏi môn Sử là phải trình bày theo kiểu viết văn (nhập bài - thân bài - kết luận) không ạ?

(Đ.T.S.T, 18t, Gò Vấp_tp.Hcm)

Cô Đỗ Thị Thanh Thủy:

Không cần phải trả lời theo kiểu viết Văn vì Lịch sử chủ yếu là thời gian và sự kiện. Tuy nhiên nếu em lập luận chắc chắn thì bài của em sẽ trọn vẹn điểm hơn.

Nội dung đề thi môn Văn trong kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi đại học có phần văn học nước ngoài không thưa cô?

(Anh Duy, 18t, Mỹ Tho- Tiền Giang)

Cô Triệu Thị Huệ:

Nội dung đề thi môn Văn trong kỳ thi tốt nghiệp bao gồm cả văn học nước ngoài (3 tác giả trong CT lớp 12) .

Nội dung đề thi môn Văn trong kỳ thi đại học không có văn học nước ngoài.Hiện nay, Bộ GD & ĐT đã ban hành cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT, em cần theo dõi để nắm chắc phạm vi ôn tập cho hiệu quả.

Trong những bài học sử, có phải chỉ cần học những câu quan trong thôi phải ko ạ, vd như bài 21 chỉ học phong trào đồng khởi và chiến tranh đặc biệt. Như vây có đúng không ạ? Nhưng sở gd và dt đã nói là học hết những gì trong sách gk thì làm sao bọn em học kịp ạ! Xin tcô cho em phương pháp học được không a Em xin cám ơn

(Nguyễn Hoàng Vương, 18t, Tp. HCM)

Cô Đỗ Thị Thanh Thủy:

Cấu trúc chương trình và đề thi là phải học hết. Tuy nhiên nếu em học không nổi thì em có thể chọn những câu mà em cho là quan trọng như Đồng khởi và Đặc biệt. Ví dụ đề thi HK II hôm rồi có phần không có trong câu hỏi em sẽ bị mất 3 điểm.

Thưa cô cho em biết những bài nào dễ nhầm với nhau nhất trong chương trình Sử để em có thể nhận biết?

(Nguyễn Lương Bảo, 18t, lớp 12 trường Nguyễn Du, Q.10))

Cô Đỗ Thị Thanh Thủy:

Phần Ý nghĩa Lịch sử của các sự kiện là dễ nhầm nhất vì nó không có thời gian cụ thể mà chủ yếu là lập luận.

Môn Văn, trên báo Mực Tím bảo là cần học các phần giao nhau giữa hai chương trình Cơ Bản - Nâng Cao, em học ban Cơ Bản, em không biết làm sao để tìm phần giao nhau giữa hai ban?

(Lê Ngọc Bích,, 0t, lớp 12 trường Nguyễn Du, Q.10))

CẩmLệ.kute

CẩmLệ.kute
Thành Viên Mới
Thành Viên Mới

Ví dụ 2: lập dàn ý cho một đề bài NLVH

Đề bài :

Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân. Từ đó nhận xét về giá trị nhân đạo của tác phẩm này.

DÀN Ý :

1. Mở bài : giới thiệu tác giả Kim Lân, truyện ngắn Vợ nhặt, nhân vật bà cụ Tứ.

2. Thân bài :

a. Phân tích nhân vật bà cụ Tứ: chủ yếu đi vào phân tích diễn biến nội tâm nhân vật

- Trước hết, bà cụ rất ngạc nhiên khi thấy con trai mình lấy được vợ, nhặt được vợ.

- Khi đã hiểu ra, tâm trạng bà vừa mừng vừa tủi, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình.

- Bà chấp nhận người con dâu mới với thái độ cảm thông, đầy bao dung và thương xót.

- Bà lo lắng cho hai con “biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không”.

- Bà luôn an ủi động viên vợ chồng Tràng và hướng tới một tương lai tươi sáng

b. Nhận xét, đánh giá về giá trị nhân đạo trong tác phẩm

- Bà cụ Tứ là hình ảnh tiêu biểu cho những bà mẹ Việt Nam nghèo khổ nhưng giàu lòng nhân ái. Nhân vật bà cụ Tứ được Kim Lân miêu tả với những diễn biến nội tâm phức tạp.

- Qua nhân vật bà cụ Tứ, có thể thấy rõ những biểu hiện của giá trị nhân đạo trong tác phẩm: thái độ cảm thông, thương xót; sự trân trọng của nhà văn đối với những phẩm chất đẹp đẽ của người nông dân (sự cưu mang, đùm bọc lẫn nhau trong hoàn cảnh khốn cùng nhất; khát vọng hạnh phúc gia đình chân chính; niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng). Chính giá trị nhân đạo toát lên từ nhân vật bà cụ Tứ đã tạo nên sức hấp dẫn, sức sống đặc biệt cho tác phẩm. 

3. Kết luận: khẳng định lại vấn đề

Làm sao để có thể học môn Địa dễ dàng mà trong khi em bị mất căn bản thầy nhỉ? 
Em học môn địa học xong rất hay quên xin cô chỉ cho em cách học để nhớ lâu hơn?
 (Trần Thị Thanh Thủy (18t, Tphcm); Phương (18t, Tphcm))

Thầy Đinh Hoàng Thanh:

Điều đầu tiên, căn bản là kiến thức chuẩn mà tối thiểu mình cần phải có. Nếu mất thì mình phải tìm lại thôi.

Ví dụ: Đặc trưng của môn Địa thì căn bản là mình phải biết:

- Xác định phương hướng trên bản đồ trong ATLAT: Hướng Bắc - Nam - Đông - Tây.

- Đối tượng của môn Địa Lý 12 là kiến thức về địa lý tự nhiên và địa lý kinh tế - xã hội.

Về địa lý tự nhiên, cần phải nắm được căn bản về vị trí địa lý, giới hạn lãnh thổ, khí hậu, địa hình, sông ngòi, đất đai, các tài nguyên khác: khoáng sản, rừng, biển...

Về địa lý kinh tế xã hội: Cần phải nắm được căn bản: Dân cư, nguồn lao động, trình độ lao động, số dân, mật độ dân số, dân tộc, thành phần dân tộc, truyền thống văn hoá, các ngành kinh tế (nông-lâm-ngư nghiệp; công nghiệp xây dựng, dịch vụ...)

Để nắm các căn bản đó, và học bài cho dễ nhớ, thì phải lập dàn ý cấu trúc của bài học và sử dụng ATLAT, dùng nó làm phương tiện hỗ trợ để nhớ bài và khái quát kiến thức.

Thưa cô khi viết luận văn em thường mất thì giờ rất nhiều để làm cái nhập đề! Xin cô chỉ cho em một vài cách để làm một cái nhập đề ngắn gọn mà đầy đủ các yêu cầu? Em cám ơn cô. (Yen Hoang, 18t, TP HCM)

Cô Triệu Thị Huệ: 

Cô hiểu là em đang hỏi cách làm mở bài cho một bài văn, đúng không?

Nguyên tắc và yêu cầu chung của một cái mở bài là chỉ cần giới thiệu khái quát vấn đề nghị luận (nếu là văn nghị luận), tránh sự dài dòng không cần thiết.

Ví dụ: Mở bài cho dạng đề bài cảm nhận về một nhân vật, em nên giới thiệu ngắn gọn tác giả, tác phẩm. Sau đó, giới thiệu nhân vật kèm theo một nhận xét bao quát về nhân vật đó. 

Em học môn địa học xong rất hay quên xin thầy chỉ cho em cách học nhớ những số liệu về dân số, số lượng gia súc...Những con số ấy cứ khiến em điên cả cái đầu..(Phuong (18t, Thpcm); Hee (18t, Bình Dương):)

Thầy Đinh Hoàng Thanh:

Muốn nắm vững số liệu, thì có 2 cách:

- Sử dụng những số liệu quan trọng trong bài học đã có sẵn trong ATLAT (không cần phải nhớ, nhưng phải biết nó nằm ở đâu trong ATLAT). Ví dụ: Đỉnh núi Phanxiphăng cao 3.143 mét thì có ở trang 13 - trên địa hình dãy Hoàng Liên Sơn.

- Đối với những số liệu khác liên quan tới bài học cần phải nhớ, thì phải dùng mẹo nhớ. Ví dụ: Chiều dài của đường sắt thì bằng chiều cao của đỉnh Phanxiphăng. (Nhưng chiều dài đường sắt là 3.143 km, còn chiều cao của núi là 3.143 mét). Hoặc đường ô tô dài trên 2000 km, đường sắt trên 3000 km.

Thưa cô, khi làm bài Văn em có được viết những chữ viết tắt - những chữ tắt, mà bây giờ mọi người ai cũng hiểu, thậm chí thầy cô cũng rất hay sử dụng khi giảng bài - có được không ạ? (Vinh, 20t, Ha noi)

Cô Triệu Thị Huệ:

Về nguyện tắc, trong bài thi, HS không được dùng những kí hiệu, dấu hiệu lạ. Những bài có dùng những kí hiệu, dấu hiệu lạ sẽ được đưa ra chấm chung.Vì thế, cho dù là những chữ viết tắt “bây giờ mọi người ai cũng hiểu”, thì em cũng không nên sử dụng trong bài làm của mình.

Dạ! Anh em đã thi đại học khối D, anh nói để anh ôn Văn cho em là chắc cú, cho em hỏi thi Văn tốt nghiệp có giống đề Văn như các anh chị thi đại học khối D không? (Nguyễn Thiên Trí, 16t, 38b/3, ẩp, xã phước thạnh,huyện châu thành,tỉnh bến tre)

Cô Triệu Thị Huệ: 

Anh em đã thi ĐH khối D, như vậy là đã có kinh nghiệm, có thể giúp em được một số vấn đề. Nếu anh của em học tốt môn văn, thì càng giúp em được nhiều hơn.

Tuy nhiên, cấu trúc đề thi mỗi năm đều có những thay đổi so với những năm trước. Vì vậy, em phải cập nhật cấu trúc đề thi của Bộ GD – ĐT để ôn thi cho có hiệu quả.

Lưu ý là đề thi Văn tốt nghiệp có điểm giống và khác so với đề thi ĐH. Điểm khác cơ bản là đề thi ĐH không có văn học nước ngoài và bao gồm cả một phần CT lớp 11, trong khi đó, nội dung ra đề thi tốt nghiệp thuộc CT lớp 12 (trong đó có văn học nước ngoài)

Đối với môn Địa lí, yêu cầu phải vẽ biểu đồ mà biểu đồ để làm kí hiệu phân biệt các mục khác nhau (ví dụ em hãy sử dụng dấu cộng, dấu nhân.. để làm kí hiệu phân biệt). Nhưng có lần em nhớ trong bài kiểm tra một tiết em làm vậy mà bị cô giáo nhắc nhở làm như vậy coi như đánh dấu bài thi. Em bối rối quá, phải làm sao đây?(Hồ Minh Nhật , 0t, Lớp 12TN1 – Phan Châu Trinh)

Thầy Đinh Hoàng Thanh:

Khi vẽ biểu đồ, để phân biệt các đối tượng vẽ, thì ta dùng các kí hiệu để phân biệt.

Kí hiệu thì có các dạng: Kí hiệu đơn, kí hiệu đường, kí hiệu điểm, hoặc sử dụng kí hiệu toán học.

Nên sử dụng các kí hiệu đơn giản: dấu +, dấu -, đường gạch chéo (/). Không nên sử dụng các kí hiệu diện như hình trái tim, hình ngôi sao, tam giác... khi vẽ thì các kí hiệu này sẽ không đồng nhất, làm biểu đồ rối và xấu đi.

Nếu xem các kí hiệu là đánh dấu bài thì chưa chính xác.

Kính chào cô Huệ! Em có 2 câu hỏi về bộ môn Văn muốn nhờ cô giải đáp.Thứ nhất, nhân vật Chiến và Việt trong truyện ngắn "Những đứa con trong gia đình" có những điểm gì giống và khác nhau?.Câu hỏi thứ 2 em muốn nhờ cô giúp đỡ là cô có bí quyết nào có thể gợi ý cho học trò chúng em để nhớ được một số lượng rất nhiều dẫn chứng trong một tác phẩm văn xuôi không ạ.Vì thực sự việc nhớ như in từng câu, chữ để làm dẫn chứng thực sự là một cửa ải khó khăn đối với em. Cám ơn cô rất nhiều! (Trần Nguyệt Anh, 18t, Hà Tĩnh)

Cô Triệu Thị Huệ: 

Nhân vật Việt và Chiến trong truyện ngắn "Những đứa con trong gia đình" có điểm giống nhau cơ bản là đều có những nét tính cách của lứa tuổi mới lớn (hồn nhiên, tính tình còn trẻ con). Tuy nhiên, hai nhân vật cũng có điểm khác biệt: Việt hay ỷ lại vào chị, hay tranh giành với chị thì Chiến là người chị biết nhường em, sớm biết lo toan tháo vát. Ngoài ra, cả hai đều có lòng căm thù giặc sâu sắc, gan góc dũng cảm … mang đậm dấu ấn của thế hệ trẻ miền Nam thời cứu nước

- Về câu thứ hai em hỏi, cô muốn lưu ý em : bài văn không cần quá nhiều dẫn chứng. em chỉ cần đưa vào một số lượng dẫn chứng tiêu biểu, toàn diện là được. Điều quan trọng là em phải biết cách đưa và phân tích dẫn chứng có định hướng để phục vụ cho luận điểm, hơn là liệt kê nhiều dẫn chứng. Muốn nhớ được dẫn chứng tác phẩm văn xuôi, theo đó, em phải học kĩ những câu, nhóm từ thật cần thiết, tiêu biểu, không cần đưa dẫn chứng quá dài. Cái tạm gọi là “bí quyết” là kết hợp giữa lời lẽ của mình với một nhóm từ trong một dẫn chứng trực tiếp. Cách làm bài như thế chẳng những được khuyến khích mà còn tạo được sự sinh động, linh hoạt trong bài làm.

Chúc em thành công !

Môn Văn trong kỳ thi tốt nghiệp đa số cho phân tích đoạn thơ hay phân tích phần văn bản? (Huynh Mai Phuong, 19t, Long khanh)

Cô Triệu Thị Huệ: 

Không thể đoán chắc chắn là đề thi sẽ “đa số cho phân tích đoạn thơ hay phân tích phần văn bản”. Cách tốt nhất là nắm vững tất cả kĩ năng làm bài của các dạng, kiểu bài nghị luận văn học đã được học trong CT. Chắc chắn nội dung trong đề thi sẽ không quá phức tạp, không quá khó để đáp ứng vấn đề về thời lượng và đối tượng là HS bậc THPT.

Em nên tham khảo các đề thi tốt nghiệp trong vài năm gần đây để hình dung thêm về đề thi nhé!

Bạn bè em hay nói là môn Địa không cần phải học bài chỉ cần mang Atlat vào phòng thi là làm từ A tới Z, có đúng không thưa thầy? (Nguyễn Hải Âu, 0t, lớp 12 - Nguyễn Hiền, Q.11)

Thầy Đinh Hoàng Thanh:

Câu này đúng nhưng chưa đủ. Vì muốn sử dụng ATLAT để làm bài từ A-Z thì phải có kỹ năng sử dụng ATLAT, biết kết hợp ATLAT với kiến thức bài học trong quá trình ôn tập.

Cho em hỏi thi tốt nghiệp môn Văn chủ yếu tập trung ở học kỳ 2 nhiều phải không ạ? (Huynh Mai Phuong, 19t, Long khanh)

Cô Triệu Thị Huệ: 

Cấu trúc đề thi của Bộ GD – ĐT có quy định rõ phạm vi ôn thi, là thuộc chương trình lớp 12, như vậy đề thi có thể nằm trong toàn bộ phần kiến thức được quy định ấy. Không có căn cứ nào để khẳng định rằng đề thi tốt nghiệp môn Văn chủ yếu tập trung ở học kỳ 2, em ạ!

Xin cho em hỏi cấu trúc bài thi môn Địa gồm những phần nào, mỗi phần được bao nhiêu điểm? ( Trần Nguyễn Hoàng Minh , lớp 12 trường Nguyễn Du, Q.10)

Thầy Đinh Hoàng Thanh:

Môn Địa lý là môn thi không khó, nếu biết cách ôn tập thì làm bài đạt điểm cao.

Trước hết phải biết nội dung ôn thi và nắm vững cấu trúc đề thi TNTH của môn Địa lý do Bộ GD-ĐT công bố

Thi tốt nghiệp THPT MÔN ĐỊA LÝ năm học 20092010

I. Phần chung cho tất cả thí sinh (8 điểm):

Câu I (3 điểm)

* Địa lý tự nhiên: 
- Vị trí địa lý, phạm vi lãnh thổ. 
- Lịch sử hình thành và phát triển lãnh thổ. 
- Đất nước nhiều đồi núi. 
- Thiên nhiên chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển. 
- Thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa. 
- Thiên nhiên phân hóa đa dạng. 
- Sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. 
- Bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai. 
* Địa lý dân cư: 
- Đặc điểm dân số và phân bố dân cư. 
- Lao động và việc làm. 
- Đô thị hóa.

Câu II (2 điểm)

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế 
Địa lý các ngành kinh tế 
- Một số vấn đề phát triển và phân bố nông nghiệp (đặc điểm nền nông nghiệp, vấn đề phát triển nông nghiệp, vấn đề phát triển ngành thủy sản và lâm nghiệp, tổ chức lãnh thổ nông nghiệp). 
- Một số vấn đề phát triển và phân bố công nghiệp (cơ cấu ngành công nghiệp, vấn đề phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm, vấn đề tổ chức lãnh thổ công nghiệp). 
- Một số vấn đề phát triển và phân bố các ngành dịch vụ (giao thông vận tải và thông tin liên lạc, thương mại, du lịch).

Câu III (3 điểm)

Địa lý các vùng kinh tế 
- Vấn đề khai thác thế mạnh ở trung du và miền núi Bắc bộ. 
- Vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở đồng bằng sông Hồng. 
- Vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở Bắc Trung bộ. 
- Vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở duyên hải Nam Trung bộ. 
- Vấn đề khai thác thế mạnh ở Tây nguyên. 
- Vấn đề khai thác lãnh thổ theo chiều sâu ở Đông Nambộ. 
- Vấn đề sử dụng hợp lý và cải tạo tự nhiên đồng bằng sông Cửu Long. 
- Vấn đề phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng ở biển Đông và các đảo, quần đảo. 
- Các vùng kinh tế trọng điểm. 
Địa lý địa phương (địa lý tỉnh, thành phố).

II. Phần riêng (2 điểm):

Câu IV. a. Theo chương trình chuẩn.Nội dung nằm theo chương trình chuẩn, đã nêu ở trên.

Câu IV. b. Theo chương trình nâng cao.Ngoài nội dung đã nêu ở trên, bổ sung các nội dung nằm trong chương trình nâng cao như sau: 
- Chất lượng cuộc sống (thuộc phần địa lý dân cư). 
- Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (thuộc phần địa lý kinh tế - chuyển dịch cơ cấu kinh tế). 
- Vốn đất và sử dụng vốn đất (thuộc phần địa lý kinh tế - một số vấn đề phát triển và phân bố nông nghiệp). 
- Vấn đề lương thực thực phẩm ở đồng bằng sông Cửu Long. 
Lưu ý: việc kiểm tra các kỹ năng địa lý được kết hợp khi kiểm tra các nội dung trên. Các kỹ năng được kiểm tra gồm: 
- Kỹ năng về bản đồ: đọc bản đồ ở Atlat địa lý Việt Nam(không vẽ lược đồ). Yêu cầu sử dụng Atlat do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành từ tháng 9.2009. 
- Kỹ năng vẽ biểu đồ: vẽ, nhận xét và giải thích, đọc biểu đồ cho trước. 
- Kỹ năng về bảng số liệu: tính toán, nhận xét. 

Như vậy đề thi Địa lý có 2 phần là lý thuyết và thực hành( kỹ năng).

- Phần lý thuyết: nhằm kiểm tra sự ghi nhớ kiến thức của học sinh, gồm các kiểu câu hỏi:

Trình bày: đặc điểm tự nhiên của vùng kinh tế, hhay nêu ý nghĩa vị trí địa lý nước ta, hoặc nêu đặc điểm của địa hình, khí hậu, sông ngòi nước ta, trình bày...

Phân tích chứng minh: những thuận lợi khó khăn trong phát triển kinh tế ở nước ta; phân tích các thế mạnh, hạn chế về tự nhiên và ảnh hưởng của nó đến việc trồng cây công nghiệp ở…; chứng minh rằng nước ta có phân hóa khí hậu...

So sánh: sự giống và khác nhau của các sự vật hiện và các tượng địa lý. Muốn so sánh cần thuộc và nắm vững kiến thức Ví dụ: So sánh về tự nhiên đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long; so sánhđịa hình miền Đông Bắc và Tây Bắc; so sánh vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên ở nước ta...

Giải thích: vì sao có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở đồng bằng sông Hồng; tại sao nói việc phát triển cơ cấu nông- lâm góp phần phát triển bền vững ở Bắc Trung Bộ; tại sao trong khai thác tài nguyên rừng ở nước ta cần chú trọng khai thác đi đôi với tu bổ và bảo vệ vốn rừng...

- Phần kỹ năng: bao gồm:

+ Kỹ năng về bản đồ: đọc bản đồ ở Atlat địa lý Việt Nam.( sử dụng Atlat do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành từ tháng 9.2009). 
+ Kỹ năng vẽ biểu đồ: vẽ, nhận xét và giải thích, đọc biểu đồ cho trước. 
+ Kỹ năng về bảng số liệu: tính toán, nhận xét.

* Thưa thầy, xin thầy chỉ cho em cách xử lí số liệu như thế nào là nhanh và chính xác nhất ạ?

Thầy Đinh Hoàng Thanh: Trong các kĩ năng địa lý, có kĩ năng xử lý bảng số liệu. Có các dạng tính toán bảng số liệu: Tính tốc độ tăng trưởng, tính tỉ trọng.

Cách xử lí: Sử dụng máy tính. Ví dụ tính tỉ trọng một tổng của 3 đối tượng a, b và c thì mình chỉ tính a% và b%, còn c% thì lấy 100% trừ tổng của a và b.

Còn tính tốc độ tăng trưởng của nhiều năm thì năm đầu luôn luôn là 100%, các năm sau đó sẽ tăng lên, thì số các năm sau luôn lớn hơn 100%.

Sponsored content



Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết